“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh…”
Trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, hình ảnh “bánh chưng, bánh tét” không còn đơn thuần là những món ăn thơm lừng mà còn là biểu tượng đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, chỉ cần nghe đâu đó thoang thoảng hương nếp thơm lan tỏa từ những chiếc bánh chưng, bánh tét là những người con xa quê bỗng nhớ về quê hương, nguồn cội.
Không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần, hai loại bánh này còn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Bánh chưng - Nét văn hóa lâu đời của người miền Bắc
Theo quan niệm dân gian, “bánh chưng” có hình vuông tượng trưng cho đất. Nguyên liệu gói bánh chưng đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống trong gia đình như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, tiêu và các loại gia vị. Bên ngoài bánh được gói bằng lá dong và buộc bằng dây lạt mềm như thể hiện sự gắn bó của một gia đình.
Bánh chưng - Nguồn Internet
Để có được một chiếc bánh chưng ngon, khâu chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Đầu tiên là lá dong, lá phải tươi, phải xanh thì khi luộc mới có mùi thơm và màu sắc mới ngấm vào bánh. Nếp và đậu xanh được ngâm cho mềm (ít nhất 10 tiếng). Nhân muốn ngon thì thịt phải tẩm ướp thêm gia vị, cân đo sao cho vừa miệng.
Khâu gói bánh và luộc bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm của các thành viên trong gia đình để cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt. Bánh phải được gói vuông vắn và thường được luộc bằng bếp củi trong vòng 12 giờ thì mới đủ độ chín. Luộc xong, bánh phải được vớt ra, để ráo rồi mới mang đặt lên bàn thờ gia tiên.
Bánh tét - Đặc trưng truyền thống của người miền Nam
Từ lâu, “bánh tét” đã trở thành món ăn truyền thống và việc gói bánh tét là một phong tục không thể thiếu mỗi dịp Tết đến đối với người miền Nam.
Nguyên liệu làm bánh vẫn gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo nhưng bánh tét không dùng lá dong mà là lá chuối. Nếu bánh chưng có dạng hình vuông thì bánh tét có hình trụ dài, khi ăn sẽ được cắt ra thành những khoanh tròn nhìn rất đẹp mắt.
Cũng giống như bánh chưng, việc chọn nguyên liệu làm bánh tét cũng rất kỳ công. Gạo nếp phải ngon, dẻo, không bị lẫn gạo tẻ, đậu xanh nấu rồi giã nhuyễn. Đặc biệt, bánh tét có thêm nước cốt dừa được vắt từ nước dừa khô nạo nhỏ và nước dứa trộn vào nếp để tạo mùi thơm cho bánh. Phải thật khéo tay mới có được đòn bánh cân xứng, đẹp mắt. Bánh sau khi gói chỉ cần luộc 8 tiếng là vừa chín.
Màu xanh tươi mát của lá, màu vàng của nhân cộng thêm mùi thơm ngon của nếp, đậu xanh và thịt heo tạo nên hương vị khó quên cho những ai có cơ hội thưởng thức món bánh này.
Những ngày cuối năm, được cùng gia đình quây quần gói và nấu bánh chưng, bánh tét, cùng nhau tận hưởng hương vị của ngày tết thì thật đẹp và ý nghĩa biết bao.