Vào ngày 21/12/2022, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm bằng hình thức trình chiếu hồ sơ. Vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa nguyên đơn bà Trần Thị Đào N và bị đơn bà Nguyễn Thị Đ.
Nội dung vụ án: Lúc sinh thời, ông Trần Văn Th có tạo lập được khối tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 1870,lm2 tại thửa đất số 234, tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và căn nhà cấp 4 là di sản thừa kế. Về hàng thừa kế của ông Th có 06 người con gồm Trần Thị Đào N, Trần Văn B (mất), Trần Văn H (mất), Trần Thị B, Trần Thị Kim X, Trần Thị Kim Th (mất), Trần Văn C (mất). Sau khi ông Th mất thì ông Trần Văn C làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đứng tên đối với phần di sản này. Việc kê khai xác định chỉ có ông Trần Văn C là con là không đúng. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án hủy giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất đứng tên ông Trần Văn C; Hủy Văn bản khai nhận tài sản thừa kế và chia di sản cho các đồng thừa kế. Bị đơn thống nhất lời trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc di sản và hàng thừa kế, bị đơn là vợ của ông Trần Văn C, ông C là người nuôi dưỡng, chăm sóc ông Trần Th đến khi ông Th mất, sau khi ông Th mất thì ông C là người đứng ra làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, khi ông C mất thì bị đơn mới biết phần đất tranh chấp do ông C đứng tên. Bị đơn yêu cầu được ổn định phần đất có diện tích 1.725m2 vì không còn chỗ ở nào khác, đồng thời xem xét công sức đóng góp của bà vào việc quản lý, chăm sóc, tôn tạo, giữ gìn di sản thừa kế.
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Không đồng ý với kết quả giải quyết của tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu chia thừa kế bằng hiện vật theo quy định của pháp luật vì bà không có khả năng thanh toán số tiền cho các thừa kế. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đã hỏi và làm rõ các tình tiết của vụ án, phân tích trên cơ sở quy định pháp luật, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã thống nhất thỏa thuận được vấn đề chia thừa kế. Nhận thấy đây là sự tự nguyện của các bên đương sự, không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử chấp nhận sửa án sơ thẩm, công nhận theo sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa.
Tranh chấp thừa kế thường phát sinh giữa các bên có mối quan hệ gia đình, huyết thống với nhau. Việc các đương sự thống nhất thỏa thuận được cách phân chia di sản thừa kế sẽ tạo được sự hài hòa, tránh gay gắt xung đột trong mối quan hệ giữa các đồng thừa kế, giữ gìn được mối quan hệ tình cảm anh, chị em trong gia đình, giúp cho công tác thi hành bản án cũng dễ dàng thuận lợi hơn, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.