Ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước (gọi tắt là Chỉ thị số 7).
Theo đó, trong những năm qua, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thống kê ngày càng được tăng cường. Do đó mà hoạt động thống kê Nhà nước cũng từng bước được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành và địa phương và được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa. Tuy nhiên, trước nhu cầu thông tin thống kê ngày càng cao và nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại cũng như tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những yêu cầu sau:
Thứ nhất, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê; chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành trên cơ sở các quy định pháp luật.
- Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác trong hoạt động thống kê; Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp số liệu định kỳ cho Cơ quan Thống kê Trung ương.
- Đẩy mạnh cung cấp, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa bộ, ngành với Cơ quan Thống kê Trung ương; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế của thống kê bộ, ngành để nâng cao hiệu quả của hoạt động thống kê.
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức làm công tác thống kê…
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Nhiệm vụ quan trọng nhất là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê; Đẩy nhanh quá trình ứng dụng kỹ thuật số vào công tác thống kê; triển khai đồng bộ tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, đồng bộ về thông tin thống kê từ trung ương đến địa phương…và một số nội dung quan trọng khác theo chức năng, nhiệm vụ.
Thứ ba, Bộ Tài chính
- Bảo đảm nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thống kê Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chủ động thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê phục vụ quản lý điều hành trên địa bàn. Thống nhất sử dụng số liệu thống kê Nhà nước do cơ quan thống kê công bố.
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê để tổ chức tốt các hoạt động thống kê trên địa bàn.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống báo cáo điện tử từ trung ương đến địa phương.
- Tiếp tục củng cố nhân lực làm thống kê tại sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đáp ứng yêu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức…
- Quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện điều tra thống kê và các hoạt động thống kê khác, phục vụ kịp thời nhu cầu quản lý, điều hành của địa phương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thống kê tại địa phương.
(Đính kèm Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước)./vkscantho/uploads/news/2022_06/ct-07.pdf