Ngày 04 tháng 12 năm 2014 Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu Viện kiểm sát các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương để thông báo nhanh về một số điểm mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ có sự tham dự của các ngành: Ban Nội chính Thành ủy, Công an, Tòa án, UBMTQ, VKS Quân khu 9, Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ, Kiểm sát viên trung cấp và Viện trưởng VKS cấp huyện.
Tại Hội nghị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo một số điểm mới của Luật tổ chức VKSND vừa được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2014, gồm:
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên được Luật tổ chức VKSND ghi nhân, đồng thời xác định Viện kiểm sát là cơ quan trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Luật quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Ngành, của các chức danh pháp lý (trước đây ghi nhận trong Pháp lệnh kiểm sát viên); thực hành quyền công tố ở giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; quy định về VKS khởi tố vụ án, khởi tố bị can; thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra VKSND mở rộng hơn; quy định về thời hạn trả lời kiến nghị, kháng nghị; nguyên tắc tập trung lãnh đạo thống nhất trong ngành; KSV hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của viện trưởng; tổ chức bộ máy VKSND 4 cấp: tối cao, cấp cao (thay thế VKS phúc thẩm hiện nay), tỉnh, huyện; Ủy ban kiểm sát là cơ quan thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng khi Viện trưởng thấy cần thiết xin ý kiến UBKS; VKS cấp huyện được thành lập phòng nghiệp vụ; Kiểm sát viên có 4 cấp: KSV tối cao (chỉ giới hạn có 19 người), KSV cao cấp, KSV trung cấp và KSV sơ cấp (cấp tỉnh có thể có cả kiểm sát viên cao cấp). Nhiệm kỳ KSV lần đầu 5 năm, lần sau 10 năm. Ngoại trừ KSV tối cao, các ngạch KSV khác phải thi tuyển. Kiểm tra viên được xác định là người hỗ trợ hoạt động của KSV, có quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể…
Luật tổ chức VKSND xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội thông qua là thể hiện sự sâu sắc trong quá trình soạn thảo, xây dựng Đề án Luật của ngành Kiểm sát nhân dân; đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đảng trong trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.