Thứ nhất, điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định: “Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.”
Theo quy định trên việc BLTTHS quy định việc tịch thu tiêu hủy vật chứng là cần thiết nếu vật chứng đó không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đáng kể, nhưng hiện nay chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng như thế nào là không đáng kể để xử lý.
Do luật không quy định nên nhiều trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng đã tự xác định vật chứng không còn giá trị theo ý chí cá nhân để xử lý. Việc cơ quan tiến hành tố tụng tự đánh giá không có căn cứ đôi lúc sẽ dẫn tới không chính xác, nếu việc đánh giá không cẩn thận, tỉ mỉ sẽ dẫn tới việc xử lý vật chứng tùy tiện, không thống nhất.
Thứ hai, điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS quy định:“Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;”
Theo quy định trên hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc khó bảo quản có thể hiểu bao gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng hoặc các chất dễ cháy, nổ khác) hoặc là các loại hóa chất,… Đối với những hàng hoá trên pháp luật không quy định hình thức bán, đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn giải quyết vụ án đối với loại vật chứng này có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc tự mình đánh giá hàng hóa đó là mau hỏng để tiến hành bán, có trường hợp sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên ngành đánh giá và thực hiện việc bán, từ đó dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, có lúc dẫn tới sai sót do đánh giá không chính xác vật có phải là mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không.
Vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật đó là: Vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định? Việc bán hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản do cơ quan nào tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành bán hay Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan chuyên ngành thực hiện quy trình bán?
Người viết cho rằng việc xác định vật chứng có thuộc loại mau hỏng hay không phải tùy thuộc tính chất, đặc điểm, đặc tính của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa bình thường, không phức tạp, mắt thường có thể nhận biết được thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định, còn trường hợp hàng hóa có tính chất phức tạp, phải tiến hành thử nghiệm hoặc lấy mẫu để giám định như hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật… thì Cơ quan tiến hành tố tụng cần yêu cầu cơ quan chuyên ngành có chuyên môn nghiệp vụ xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.