18:08 ICT Thứ năm, 23/03/2023

Tin tức



VKSND Tối cao
Văn bản quy phạm pháp luật
Trang thông tin điện tử Tạp chí Kiểm Sát
Đại Học KSHN
Đời sống & Pháp Luật
Bảo vệ pháp luật

Hoạt động


Trang chủ » Tin tức » Trao đổi nghiệp vụ

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3/1910 - 08/3/2023)VÀ 1983 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số vấn đề liên quan đến thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự.

Thứ năm - 04/02/2016 13:56
      Theo thống kê của phòng Nghiên cứu pháp luật dân sự thương mại, Viện Khoa học xét xử - Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, có tới 57,8% số người được hỏi cho rằng trình tự, thủ tục và các thời hạn trong tố tụng dân sự hiện nay còn rườm rà. Có những vụ việc đơn giản, rõ ràng nhưng lại kéo dài không cần thiết
 
      Qua công tác tổng kết xét xử của Tòa án nhân dân tối cao hàng năm cho thấy, các tranh chấp dân sự ngày càng nhiều. Từ năm 2005 đến nay, các vụ án dân sự tòa án nhân dân các cấp thụ lý tăng mạnh từ 223.228 vụ lên tới gần 400.000 vụ, tăng khoảng 56,4%. Số lượng các vụ án tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết cũng rất lớn, thường chiếm trên 90% số lượng án giải quyết của toàn hệ thống Tòa án và lượng án tồn đọng của Tòa án các cấp cũng không nhỏ. Tuy nhiên, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung.

      Ví dụ vụ án Phạm Văn Quang kiện Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB) ra Tòa án nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu bị đơn trả lại số tiền rất nhỏ là 5.500 đồng phí ATM. Theo nội dung vụ kiện thì ngày 03/4/2013, nguyên đơn đến trụ ATM của VCB đặt ở Quang Trung (Gò Vấp) để rút 15 triệu đồng. Những lần trước nguyên đơn chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần rút được 05 triệu đồng) và chỉ mất phí rút tiền là 3.300 đồng. Tuy nhiên, thời điểm này trụ ATM chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên nguyên đơn phải rút đến tám lần, mỗi lần rút 1.750.000 đồng và phải chịu phí rút tiền là 8.800 đồng. Như vậy, so với mọi lần, nguyên đơn phải mất thêm 5.500 đồng. Vì cho rằng đây là hành vi lừa dối khách hàng để thu lợi thêm nên nguyên đơn làm đơn khởi kiện. Sau gần một năm thụ lý, ngày 23/01/2014 Tòa án nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại 5.500 đồng phí ATM. Chính vì thủ tục rút gọn chưa được áp dụng nên những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp chỉ 5.500 đồng mà gần một năm sau vụ việc mới được giải quyết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn cũng như uy tín của ngân  hàng.

      Trong khoa học luật tố tụng nói chung và khoa học luật tố tụng dân sự nói riêng, các thủ tục tố tụng được chia thành hai loại là thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục tố tụng đặc biệt. Và thủ tục rút gọn là một dạng của tố tụng đặc biệt.

      Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ các điều kiện quy định với trình tự đơn giản, rút ngắn thời gian so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của những người tham gia tố tụng và đúng pháp luật.

      Ý nghĩa của việc áp dụng thủ tục rút gọn.
      Trước hết, đối với đương sự, việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cũng như giảm bớt những thiệt hại, phiền phức, nhất là đối với người thắng kiện vì đáng lẽ ra họ không phải gánh chịu những thiệt hại, phiền phức này. Từ đó lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung được nâng lên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Khi việc khiếu kiện và tham gia tố tụng của người dân được thuận lợi thì khi đó họ sẽ chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án, hạn chế các trường hợp đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật gây bất đồng trong đời sống, bất ổn trong xã hội. Hơn nữa, đây là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng.

      Áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên, giảm công việc của thẩm phán, hội thẩm, thư ký đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án.

      Với việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp; khiếu kiện, thủ tục rút gọn góp phần làm giảm đáng kể số lượng án ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiện đại.

      Thủ tục rút gọn là hình thức thủ tục tố tụng dân sự được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới ví dụ như ở Nhật Bản, luật nước này công nhận các quy định đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục khởi kiện, xét xử nên việc khởi kiện có thể thực hiện bằng miệng. Hoặc ở Trung Quốc, khi hai bên đương sự đến tòa án đề nghị giải quyết tranh chấp thì tòa án có thể xét xử ngay hoặc định một ngày khác.

       Lịch sử “tố tụng dân sự rút gọn” ở Việt Nam.
      Ở Việt Nam, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn từng được quy định từ năm 1946. Tuy nhiên, thời đó hình thức tố tụng rút gọn này hạn chế ở chỗ chỉ có một hình thức duy nhất là xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm và chỉ được áp dụng đối với tranh chấp dân sự có giá ngạch thấp. Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn trước đây nằm rải rác trong một số văn bản như:
      + Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 về tổ chức tòa án và quy định các ngạch thẩm phán có quy định chánh án xử một mình.

     + Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 về thẩm quyền tòa án sơ cấp về dân sự, thương mại và Điều 12 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 có quy định có thể xét xử một thẩm phán, không có hội thẩm nhân dân trong vụ án nhỏ, đơn giản.

    + Nghị định số 32 ngày 06/4/1952 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 4013 ngày 09/5/1959 của Bộ Tư pháp và Thông tư liên bộ thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao số 93 ngày 11/11/1959 có quy định tòa án huyện có quyền chung thẩm trong một số lĩnh vực.

     Ngày 02 tháng 06 năm 2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó có nội dung: “Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”.

    Vấn đề trên không được xây dựng trong luật chung (luật tố tụng) mà lại được quy định ở luật chuyên ngành. Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;
    b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
    c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng”.
    Và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm  2011 vẫn chưa “cho phép” Tòa án được xét xử theo thủ tục đặc biệt này.
    Tại Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự, thủ tục rút gọn được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:
    1. Tranh chấp có giá trị dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:
     a/ Vụ án đơn giản, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để giải quyết mà Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.
     b/ Các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng;
     c/ Không có yếu tố nước ngoài;
     Khoản 2 Điều này quy định, tranh chấp có giá trị từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) trở lên được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết khi có đủ các điều kiện như trên đồng thời phải được các đương sự đề nghị hoặc đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn; chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để giải quyết.

     Việc ấn định mức giá ngạch 100.000.000 đồng và phải được các đương sự đề nghị hoặc đồng ý áp dụng, nội dung này nên để cho Tòa án xem xét, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, vì thực chất, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án là điều mà cả đương sự lẫn Tòa án đều rất mong muốn. Vì thế, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 được thông qua đã thay đổi những nội dung trên.

         Quy định của pháp luật hiện nay về thủ tục rút gọn.
         Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:
        1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
        a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
         b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
         c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

        Như vậy, với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả tranh chấp có giá trị trên một trăm triệu đồng chứ không phải chỉ dưới một trăm triệu đồng như trước đây theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hay nói cách khác, tiêu chí này không phân biệt giá trị tranh chấp. Đây là một điều hết sức hợp lý bởi giá trị tranh chấp mặc dù lớn hay nhỏ nhưng tính chất đơn giản, đương sự thừa nhận sự việc thì vẫn xét xử theo thủ tục rút gọn, không nên kéo dài việc giải quyết vụ án.

       Bên cạnh đó, số lượng thành viên của Hội đồng xét xử theo thủ tục này cũng đã được giảm xuống, không có sự tham gia của các hội thẩm nhân dân.
       Kèm theo các điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng thì việc quy định thời hạn ngắn nhất để giải quyết vụ án là điều không thể thiếu, do đó, trong thời gian 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án sơ thẩm, thẩm phán phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Và ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thời hạn này cũng chỉ 01 tháng. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm chỉ là 02 tháng, giảm 04 tháng so với thủ tục thông thường (chưa kể thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường). Một điểm đặc biệt hơn là ngay cả việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng không làm mất đi hiệu lực của thủ tục rút gọn, và khi lí do tạm đình chỉ không còn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử theo thủ tục rút gọn này. Chỉ khi xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì vụ án mới chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

     Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 319, 320), thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ 04 điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thủ tục này chỉ tiến hành ở cấp sơ thẩm, nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cũng không được giải quyết theo thủ tục này.

     Khác với tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định vụ án được xét xử rút gọn ở cả giai đoạn phúc thẩm, đây là điểm tiến bộ và cần thiết bởi vụ án được xét xử nhanh chóng ở giai đoạn sơ thẩm nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm lại bị kéo dài, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc rút gọn.

     Đặc biệt, việc rút gọn cũng không làm mất đi một số thủ tục như hòa giải vì trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải thành thì hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các đương sự không có ý kiến thay đổi nội dung hòa giải thì thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó. Như vậy, vụ án sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn so với việc không hòa giải.

     Một số đề xuất trong quá trình áp dụng.
     Thứ nhất, Điểm a Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.

     Theo tôi, nếu như “tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án” thì không cần quy định thêm cụm từ “và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ” vì tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án thì việc Tòa án thu thập thêm tài liệu, chứng cứ là không cần thiết. Bên cạnh đó, nếu như “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” thì việc quy định thêm “tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ” là chưa phù hợp vì theo Điều 92 của Bộ luật này, sự thừa nhận của đương sự cũng là chứng cứ và là yếu tố cơ bản để giải quyết vụ án đồng thời thuộc trường hợp những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. 

      Thứ hai, pháp luật của các quốc gia có quy định về thủ tục rút gọn đều quy định án phí trong các vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn thấp hơn án phí trong các vụ án xét xử theo thủ tục thông thường. Ví dụ như theo Bộ luật Tố tụng Dân sự của Liên bang Nga thì lệ phí Tòa án đối với yêu cầu khởi kiện vụ việc theo thủ tục rút gọn bằng 50% lệ phí đối với đơn kiện theo thủ tục thông thường. Vì vụ án đơn giản, cần xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư, thu thập chứng cứ… đều ở mức thấp. Tòa án cũng không phải tiến hành nhiều thủ tục tố tụng mà gần như chỉ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp; không phát sinh chi phí giám định, định giá, thu thập chứng cứ…

     Thứ ba, cần phải có hướng dẫn cụ thể như thế nào là tình tiết đơn giản vì trong tố tụng hình sự, đi kèm với tình tiết đơn giản là chứng cứ phải rõ ràng và sự việc phạm tội phải quả tang… do đó, cần những hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất và hiệu quả.

     Thứ tư, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có làm ảnh hưởng đến thời gian thụ lý vụ án hay không vì theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như: tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình… sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến thời gian thụ lý, giải quyết vụ án, vì vậy, nên chăng, trong một số trường hợp, nếu có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì vụ án vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn.

     Tóm lại, việc xây dựng các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, các yếu tố thúc đẩy hoặc hạn chế việc áp dụng thủ tục này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó quyết định tới tính hợp lý ban đầu để trình tự tố tụng rút gọn được thực hiện. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải đầy đủ, kịp thời và cân nhắc xây dựng những nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan nhằm đem lại thuận tiện và hiệu quả cao nhất khi áp dụng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới cũng như phù hợp với xu thế áp dụng pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Tác giả bài viết: Bùi Kim Trọng

Nguồn tin: VKS ND TP Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 83

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 82


Hôm nayHôm nay : 13881

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 171631

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22207913


thi đua khen thưởng
Trao đỗi nghiệp vụ
Kết quả giải quyết Khiếu Nại - Tố Cáo
Chuyên đề biển đảo