Qua công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nói chung, cụ thể là tin báo tố giác tội phạm về các vụ án gây thương tích nói riêng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ nhận thấy như sau:
Tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Thực tiễn hiện nay một số vụ án gây thương tích, lúc đầu bị hại yêu cầu khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích, kết quả giám định tỷ lệ thương tích đủ khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 104 BLHS. Sau đó giữa bị hại và đối tượng gây án thỏa thuận xong về việc bồi thường chi phí điều trị thương tích nên bị hại tự nguyện rút yêu cầu khởi tố vụ án, căn cứ Điều 105 BLTTHS: khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, do đó Cơ quan điều tra phải ra quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, căn cứ ra quyết định không khởi tố vụ án tại Điều 107 không có quy định việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này, từ đó Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát gặp khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Nếu căn cứ khoản 2, Điều 107 BLTTHS là: Hành vi không cấu thành tội phạm, thì không phù hợp vì hành vi đã có đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm.
Từ thực tiễn nêu trên, thiết nghĩ liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn về vấn đề này hoặc bổ sung Điều 107 BLTTHS thêm căn cứ thứ 8 là: Người bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố đối với các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.