Thứ ba, mặc dù cơ quan chức năng và lực lượng báo chí, truyền thông đã đưa ra nhiều cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có một thực tế là phần lớn người dân vẫn chưa tiếp cận được với các thông tin cảnh báo này. Chưa kể việc những cảnh báo này chỉ tiếp cận đến một số người nhất định, tại một thời điểm nhất định, nhiều thông tin tuyên truyền, cảnh báo không được lưu lại, nhanh chóng trôi đi giữa hàng loạt thông tin mới được cập nhật mỗi ngày trên không gian mạng... Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn chưa đảm bảo tính sâu rộng và chưa có tính hệ thống nên không ít người còn thờ ơ, mất cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi của tội phạm, để rồi ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Thứ tư, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng đã tìm kiếm và thu thập được nhiều thông tin cá nhân của người dân như số điện thoại, địa chỉ nhà, số căn cước công dân hay các loại giấy tờ khác… Điều này đã khiến cho hành vi lừa đảo trên không gian mạng vốn đã nguy hiểm, nay ngày càng trở nên biến tướng và tinh vi hơn. Vì vậy mọi người dân nên kề cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân khi chưa biết rõ nguyên nhân hoặc khi không đảm bảo tính bảo mật của thông tin, nhất là trên môi trường không gian mạng.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, mạng internet, ngân hàng vẫn tồn tại những sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng. Điển hình như:
- Tình trạng tin nhắn rác mỗi ngày đến nhiều chủ thuê bao di động vẫn diễn ra tràn lan. Các dịch vụ nhận tin nhắn rác (spam) cho phép người dùng có thể tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày với chi phí siêu rẻ, tạo cơ hội cho không ít đối tượng lợi dụng để thực hiện dịch vụ quảng cáo lừa đảo.
- Nhiều ngân hàng muốn thu hút khách hàng nên đưa ra nhiều chính sách mở thẻ miễn phí, dễ dàng, nhanh chóng mà không cần kiểm tra xác minh thông tin của chủ thẻ, giao cho các chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên chỉ tiêu phát hành thẻ. Điều này vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thuê người mở thẻ, hoặc mua lại thẻ đã mở với giá rẻ, hoặc sử dụng thông tin giả mạo thu thập được trên không gian mạng để mở thẻ, sau đó sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi lừa được khoản lớn, tội phạm sẽ nhanh chóng phân tán số tiền này vào các tài khoản ngân hàng khác nhau và xóa dấu vét, gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp, cung cấp thông tin thuê bao số điện thoại và xác minh các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn chậm nên chưa kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Từ những phân tích trên có thể thấy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoành hành trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những cái bẫy giăng sẵn, luôn chực chờ bắt gọn những “con mồi” ngon! Các giải pháp nào cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng?...
Mời bạn đọc đón xem Kỳ 3 - “Cảnh giác để tránh “bẫy”!”.
[1] Đọc thêm Kỳ 1: Nhận diện phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.